CHÂU BÌNH KHÔI PHỤC VƯỜN DỪA SAU HẠN MẶN

BDK - So với nhiều loại cây trồng khác, dừa là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, với sức chịu đựng hạn mặn cao hơn (ở ngưỡng từ 5 – 10 ‰). Vì thế, sau hạn mặn gay gắt và kéo dài 6 tháng vừa qua là chưa từng có trong lịch sử nhưng cây dừa vẫn duy trì sức sống vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang từng bước khôi phục.

Xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm là một trong những xã có diện tích trồng dừa lớn nhất của huyện và luôn được đánh giá cao về năng suất, chất lượng. Xã hiện có khoảng 1.665ha đất nông nghiệp, trong đó phần lớn trồng dừa.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình cho hay, cây trồng chủ lực của xã là dừa, kế đến là các loại cây ăn quả và lúa. Ảnh hưởng của đợt hạn mặn vừa qua, 100% diện tích trồng lúa vụ 3 (14,6ha) đã thiệt hại hoàn toàn. 9,6ha rau màu thiệt hại gần 100%. Riêng cây ăn trái, qua thống kê sơ bộ có 43,7ha, tỷ lệ thiệt hại trên 70%. Có trên 65 - 80% diện tích dừa (cả dừa khô và dừa uống nước) bị thiệt hại, với tỷ lệ thiệt hại 30 - 70%.

Sau hạn mặn, cây dừa chịu thiệt hại ít hơn các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, năng suất dừa đang có biểu hiện giảm so với thời điểm bình thường, chất lượng trái cũng giảm đáng kể. Riêng dừa uống nước, do kích cỡ trái quá nhỏ nên được người dân gọi là dừa “gòn” hay dừa “xoài”. Thương lái xếp loại dừa này là loại dừa “dạt” (tức là dừa nhỏ không đủ chuẩn kích cỡ), hoặc tính gộp 2 hoặc 3 trái thành 1 trái, thậm chí không mua. Để chăm sóc, khôi phục vườn dừa, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chặt bỏ tất cả các buồng (với nhiều lứa) trên cây để vệ sinh cây và bón phân. Vì thế, hiện tại giá dừa uống nước trên thị trường 140 ngàn đồng/chục (12 trái) nhưng nhà vườn không có bán, dẫn đến thu nhập hộ trồng dừa giảm đáng kể. Dừa khô có giá mua từ 120 - 130 ngàn đồng/chục (12 trái), năng suất giảm 50%.

Anh Đỗ Văn Thủ, ấp Bình An, xã Châu Bình có hơn 3ha dừa uống nước và dừa khô. “Hiện giá dừa rất cao nhưng riêng dừa uống nước bán thương lái không mua. Tôi vận chuyển đến các huyện bán với giá 1 - 2 ngàn đồng/trái, chi phí không đủ đâu vào đâu. Trước đây, gia đình thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng thì nay còn dưới 10 triệu đồng/tháng.

Tương tự, hộ ông Ngô Văn Tĩnh, ấp Bình An, xã Châu Bình có 1,3ha đất trồng dừa, trong đó chủ yếu là dừa khô. Ông cho hay, riêng 1 công đất trồng dừa uống nước là không bán được, giờ còn thu nhập từ dừa khô. “Dừa uống nước có thể phải mất từ 5 - 6 tháng mới có thể thu hoạch lại lứa cho trái mới. Đối với dừa khô, tôi cũng bắt đầu lo lắng các đợt cho trái tiếp theo”.

Để người dân có giải pháp khôi phục cây trồng sau hạn mặn, UBND xã Châu Bình đã phát tờ tin, tài liệu hướng dẫn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp đến người dân tận các tổ nhân dân tự quản.

Hiện nay, hầu hết các hộ trồng dừa đều biết cách chăm sóc, bón phân cho cây. Riêng đối với hộ trồng dừa uống nước đã chọn phương án cắt bỏ trái, để cây có thể sinh trưởng tốt hơn và tiếp tục trông chờ vào các lứa dừa sau, có đủ nước ngọt và chăm bón tốt hơn để vườn dừa nhanh chóng phục hồi.

Theo các chuyên gia, mặc dù cây dừa cho trái có giảm năng suất, chất lượng nhưng cây dừa có khả năng duy trì, thích ứng cao và mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định. Thời gian tới, việc chọn ra các giống dừa mới thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn, cùng với các giải pháp về liên kết, kết nối cung cầu thị trường… là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của cây dừa ở Bến Tre.

(Nguồn: Baodongkhoi.vn)

(Nguồn sưu tầm: http://congthuongbentre.gov.vn/chau-binh-khoi-phuc-vuon-dua-sau-han-man.html)