DỪA TRỞ THÀNH CÂY CÔNG NGHIỆP CHỦ LỰC

Ngày 26-1-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (gồm các cây: cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa). Trong đó, có cây dừa, với sản lượng phấn đấu đạt từ 2,1 - 2,3 triệu tấn đến năm 2030, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản, hiệu quả sản xuất, đờ̀i sống dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu phát triển

Theo Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT, đến năm 2030, diện tích dừa cả nước đạt khoảng 195 - 210 ngàn héc-ta. Vùng trồng dừa trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khoảng 170 - 175 ngàn héc-ta, vùng duyên hải Nam Trung Bộ diện tích 16 - 20 ngàn héc-ta, còn lại 9 - 15 ngàn héc-ta được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ... Chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như: dừa xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa dứa...

Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất.

Kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Vùng ĐBSCL tại các tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng...), vùng duyên hải Nam Trung Bộ tại các tỉnh (Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…). Phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch tham quan làng nghề, tham quan cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, giới thiệu quy trình và hoạt động sản xuất; tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.

Về hoạt động chế biến, sẽ phát triển chuyên sâu 2 dòng sản phẩm, gồm: dừa chế biến và dừa tươi. Phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa sử dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới như: sữa dừa, kem dừa, dầu dừa, thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nước dừa đóng hộp...

Phát triển hệ thống các cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản chế biến từ dừa. Đào tạo nguồn lao động về chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, thiết bị và công nghệ mới, thiết kế mẫu mã, thị trường tiêu thụ... để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa.

Giải pháp thực hiện

Bộ NN&PTNT chỉ đạo, căn cứ đề án được phê duyệt, các tỉnh xác định vùng sản xuất cây công nghiệp chủ lực trong phương án quy hoạch của tỉnh và các định hướng có liên quan. Rà soát diện tích trồng cây công nghiệp chủ lực trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển sản xuất các cây công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm hợp tác xã và tổ hợp tác là cầu nối DN với hộ gia đình trồng cây công nghiệp chủ lực.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với DN thông qua các hợp tác xã và tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Về khoa học công nghệ, tiếp tục đầu tư duy trì, lưu giữ nguồn gen cây công nghiệp chủ lực hiện có, bổ sung nguồn gen mới phục vụ nghiên cứu khoa học công nghệ. Nghiên cứu chọn tạo, nhập nội các giống cây công nghiệp chủ lực mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Chăm sóc, quản lý cây đầu dòng, vườn đầu dòng hiện có...

Phát triển và ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Đầu tư khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực, đáp ứng rộng rãi nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Đối với thị trường trong nước, định hướng đến năm 2030, tiêu thụ dừa tươi và khoảng 20% dừa chế biến. Các địa phương, DN cần xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng. Hình thành sàn giao dịch sản phẩm...

Về xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng các chương trình quảng bá sản phẩm. Tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu. Tập trung ở một số thị trường: Indonesia, Argentina... (đối với sản phẩm dầu dừa); EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... (sản phẩm nước cốt dừa, sản phẩm cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng hộp); EU, Nam Mỹ, châu Á... (sản phẩm than hoạt tính, chỉ xơ dừa). Riêng dừa tươi, hướng tới xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, UAE...

Về quản lý nhà nước, quan tâm tổ chức thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính sách thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất, chế biến nông sản. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

---

Vietcoco là thương hiệu hàng đầu về các sản phẩm từ Bến Tre. Thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong ngành sản xuất dừa trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Các sản phẩm của Vietcoco hiện nay đã xuất khẩu hơn 60 thị trường trên thế giới, là thương hiệu được khách hàng yêu thích, đặt niềm tin lựa chọn tại các quốc gia như Đức, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Công ty cũng tiên phong phát triển nguồn nguyên liệu dừa hữu cơ tại Bến Tre tạo ra những sản phẩm sạch đạt chuẩn organic của Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản.

Nhà máy sản xuất: Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới - Lô A36, A37, KCN An Hiệp, Ấp Thuận Điền, Xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Tỉnh Bến Tre.
Liên hệ mua hàng: 02753 626 313
Truy cập để biết thêm thông tin: www.vietcoco.vn

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Hiệp Hội Dừa Việt Nam